Tin liên quan
Tính thuế giá trị gia tăng với dịch vụ thư tín dụng có hợp lý?
Thưa ông, được biết, mới đây Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 1606/TCT-DNL yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, hướng dẫn các tổ chức tin dụng trên địa bàn quản lý có phát sinh hoạt động cung cấp dịch vụ thư tín dụng (L/C) thì thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT theo đúng quy định. Xin ông nói rõ hơn về quyết định này của Tổng cục Thuế?
Trước hết, tôi xin khẳng định, Tổng cục Thuế chưa bao giờ đặt vấn đề truy thu thuế GTGT như nhiều ý kiến phản ánh của các cơ quan thông tấn báo chí.
Thực tế, Luật thuế GTGT ngay từ khi được ban hành, có hiệu lực từ 1/1/1999 và cho đến nay vẫn không có thay đổi nào đối với hoạt động tài chính tín dụng được quy định trong Luật. Theo đó, các lần sửa đổi Luật vẫn giữ nguyên quy định về hoạt động cho vay và đi vay liên quan đến hoạt động huy động vốn cho nền kinh tế, có nghĩa là không thu thuế GTGT đối với các nghiệp vụ tín dụng, nghiệp vụ tài chính được quy định cụ thể trong Điều 4 của Luật thuế GTGT.
Bên cạnh đó, cơ quan Thuế là một trong những cơ quan thực thi pháp luật, phải thực hiện thu thuế theo quy định của pháp luật, không chỉ các luật về thuế, mà còn phải tuân thủ theo các quy định của các luật chuyên ngành khác. Có như vậy thì hệ thống pháp luật của chúng ta mới được thực hiện đầy đủ và toàn diện.
Cụ thể hơn về nội dung công văn 1606/TCT-DNL, tôi cũng nói thêm rằng, quy định tại khoản 15 Điều 4 Luật Tín dụng năm 2010 có hiệu lực từ 1/1/2011 thì L/C là hình thức thanh toán, chứ không phải hình thức tín dụng. Trong một số năm gần đây, một số cơ quan Thuế, ngân hàng, một số tổ chức tín dụng được các cơ quan chức năng kiểm toán, thanh tra, kiểm tra và nêu vấn đề này. Từ đó đặt nên câu hỏi vậy ngân hàng và cơ quan Thuế đã thực hiện đúng quy định về thuế GTGT đối với L/C chưa? Điển hình là kiểm toán tại Ngân hàng quân đội (MB) và một số ngân hàng thương mại đều nêu lên vấn đề L/C theo Luật tín dụng đó là nghiệp vụ thanh toán, hoạt động dịch vụ chứ không phải bảo lãnh và cho vay.
Chính vì vậy, Tổng cục Thuế cũng rất thận trọng, đã ban hành công văn 1606 chỉ đạo các cục thuế hướng dẫn các ngân hàng rà soát lại để kê khai thuế cho đúng, trong các nghiệp vụ đó có L/C. Chúng ta phải tôn trọng Luật Các tổ chức tín dụng. Nội dung này cũng có nhiều tranh cãi, bản thân tôi thì thấy rằng, nếu đã là cho vay, đã là bảo lãnh ngân hàng thì chắc chắn không phải nộp thuế GTGT, nhưng nếu nó là dịch vụ thì đề nghị thực hiện khai và nộp thuế theo luật định. Chúng tôi khẳng định cơ quan Thuế không thể làm sai luật.
Tôi cũng khẳng định, tại công văn 1606, Tổng cục Thuế không nêu vấn đề truy thu thuế GTGT, mà chỉ hướng dẫn các cục thuế đồng hành cùng ngân hàng rà soát lại việc kê khai thuế GTGT lâu nay đang thực hiện như thế nào.
Dịch vụ thư tín dụng (L/C) đã được quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Nhiều ý kiến cho rằng tại sao đến thời điểm này cơ quan Thuế mới “lật” lại vấn đề rà soát thuế giá trị gia tăng?
Cơ quan Thuế không hề “lật” lại vấn đề này. Thực tế quy định của pháp luật về L/C như thế nào thì cơ quan Thuế thực hiện đúng như vậy. Ngoài Luật Thuế giá trị gia tăng còn có các nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết. Tất cả các văn bản này đều không đặt vấn đề thu thuế GTGT đối với hoạt động bảo lãnh và cho vay, mà chỉ thu thuế GTGT với dịch vụ.
Như tôi được biết, trước đây L/C (Letter of Credit) là một hình thức tín dụng hỗn hợp. Ở cương vị thực thi pháp luật, cơ quan Thuế đã áp dụng theo Luật Các Tổ chức tín dụng.
Từ trước tới nay, các tổ chức tín dụng, các ngân hàng luôn là những người nộp thuế chân chính. Ngoài ra, trong Luật Quản lý thuế có quy định người nộp thuế được tự khai, tự tính, tự nộp, tự chịu trách nhiệm với tờ khai của mình. Cơ quan thuế không can thiệp sâu vào việc tự khai của doanh nghiệp. Chỉ khi nào thanh tra, kiểm tra phát hiện sai sót thì mới hướng dẫn người nộp thuế.
Lâu nay, các ngân hàng tự khai nghiệp vụ tín dụng với cơ quan thuế. Khi cơ quan kiểm toán, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành nêu vấn đề tại sao L/C theo Luật tín dụng nói rằng đây là hoạt động dịch vụ mà ngân hàng kê khai không đúng, thì Tổng cục Thuế thấy rằng để làm đúng, trước hết, các cục thuế địa phương cần đồng hành cùng ngân hàng, tiến hành rà soát lại các nghiệp vụ.
Cũng phải nói thêm vấn đề này không phải ngành Thuế không biết mà chúng tôi luôn quán triệt nghiệp vụ tín dụng và bảo lãnh là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Trong trường hợp các tổ chức tín dụng thực hiện nộp bổ sung thuế GTGT cho dịch vụ L/C, Tổng cục Thuế sẽ có biện pháp hướng dẫn như thế nào thưa ông?
Giả sử khi đã thống nhất được L/C là dịch vụ thì ngân hàng sẽ phải khai bổ sung thuế GTGT. Còn việc nộp thuế bổ sung, ngân hàng sử dụng nguồn sẵn có hay yêu cầu khách hàng nộp thêm là thuộc thẩm quyền quyết định của họ, Nhà nước không thể can thiệp.
Xin ông có thể cho biết, các quốc gia khác trên thế giới có thu thuế GTGT với dịch vụ L/C này không?
Trong gần 200 nước áp dụng thuế GTGT thì 50% nước trong số đó có thu dịch vụ L/C vì hàng hóa dịch vụ trong một quốc gia, thì quốc gia đó có quyền thu thuế GTGT, đó là nội luật của mỗi quốc gia. Nhưng chúng ta cũng không bê y nguyên những quy định đó vào Việt Nam được mà phải dựa trên nền tảng pháp luật của Việt Nam. Luật Thuế GTGT lần đầu tiên có hiệu lực thi hành từ 1/1/1999 vẫn quy định rất rõ và hiện nay cơ quan Thuế đang thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư 219/2013/TT-BTC, Thông tư số 26/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: haiquanonline.com.vn