Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Thuế ATAX

Chất lượng tạo nên sự khác biệt

0236. 3 639 639

Lô A92 đường 30 tháng 4, TP. Đà Nẵng

Khó thu hồi nợ thuế đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Theo Tổng cục Thuế, tổng số tiền nợ thuế đến cuối tháng 2/2020 là 85.977 tỷ đồng, trong đó nợ không có khả năng thu hồi khoảng 40.655 tỷ đồng, chiếm 47% tổng số tiền nợ thu; tăng so với thời điểm 31/12/2019 và tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tổng số tiền nợ thuế, số tiền có khả năng thu là 45.322 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 52,7% tổng số tiền nợ thuế. Số tiền không còn khả năng thu hồi là 40.655 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 47,3% tổng tiền thuế nợ, tăng 1,1% so với thời điểm 31/12/2019; tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Đại diện Tổng cục Thuế cho hay: Nguyên nhân dẫn đến số tiền nợ thuế không có khả năng thu hồi tăng lên là do số tiền phạt chậm nộp (0,03%/ngày) phần nợ thuế của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh tăng lên.

Cũng theo Tổng cục Thuế, để giảm số tiền nợ thuế, ngành thuế đã tích cực các biện pháp đôn đốc thu nợ và đã thu được 5.821 tỷ đồng, bằng 14,3% nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31/12/2019, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 3.891 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 1.930 tỷ đồng.

Để tiếp tục giảm số tiền nợ thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách, ngoài việc tăng cường các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, Tổng cục Thuế cũng đang hoàn thiện các văn bản hướng dẫn về xóa nợ, khoanh nợ theo Nghị quyết của Quốc hội; xây dựng Dự thảo Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc thành lập Ban chỉ đạo và triển khai thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước.

Tổng cục Thuế cũng đã ban hành công văn triển khai biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ thuế gửi 63 cục thuế tỉnh, thành phố, kèm theo danh sách các doanh nghiệp nợ thuế và yêu cầu các cục thuế thực hiện các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ thuế theo quy định của pháp luật.

Kết quả khảo sát nhanh do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) thực hiện mới đây cho hay: Gần 74% doanh nghiệp có nguy cơ phá sản nếu dịch kéo dài 6 tháng. 

Cuộc khảo sát được thực hiện đầu tháng 3/2020, với 1.200 doanh nghiệp tham gia, trong đó 75% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đó, nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu bị giảm trên 50% chiếm hơn 60%; doanh thu giảm từ 20 - 50% chiếm gần 29%; chỉ có 1,8% số doanh nghiệp được hỏi nhận được tác động tích cực lên doanh thu do dịch bệnh. Những doanh nghiệp có doanh thu tăng chủ yếu là những doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật tư trong nước. 

Trước những khó khăn do dịch bệnh, các doanh nghiệp đã đề xuất một số kiến nghị lên Chính phủ như: Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, các loại thuế khác và cho phép miễn tiền nộp chậm thuế; đồng thời cho phép miễn đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian dịch bệnh (đề xuất này chiếm 42,9% số ý kiến doanh nghiệp trả lời); hỗ trợ vốn vay ưu đãi với doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch (chiếm 41,2% ý kiến); giảm lãi suất các khoản vay hiện tại, khoanh nợ và giãn thời gian trả nợ vay (29,2%). 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề cập đến các giải pháp khác như: Chính phủ càn thực hiện các gói kích cầu, mở cửa thông quan để nhập nguyên liệu đầu vào, cung cấp thông tin minh bạch, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiêp, giảm giá điện nước.

Nguồn: baotintuc.vn

Tin liên quan

BẢN TIN ATAX THÁNG 08/2024
30/08/2024
84 Lượt xem
BẢN TIN ATAX THÁNG 07/2024
30/07/2024
230 Lượt xem
BẢN TIN ATAX THÁNG 06/2024
01/07/2024
498 Lượt xem
Tin tức Tin tức