Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Thuế ATAX

Chất lượng tạo nên sự khác biệt

0236. 3 639 639

Lô A92 đường 30 tháng 4, TP. Đà Nẵng

Một số câu hỏi và giải đáp liên quan đến hóa đơn điện tử

TÓM TẮT MỘT SỐ CÂU HỎI VÀ TRẢ LỜI LIÊN QUAN ĐẾN HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ

(Nguồn: gdt.gov.vn)

 

Câu hỏi:

1. Trước đây tra cứu hóa đơn theo thông tư cũ, trên kết quả tra cứu có thông tin tình trạng hoạt động của doanh nghiệp, nhưng sau khi triển khai HĐĐT theo thông tư 78 thì trên kết quả tra cứu không có thông tin tình trạng hoạt động của doanh nghiệp, vậy có cần thiết phải tra cứu thêm thông tin tình trạng hoạt động của doanh nghiệp nữa không? Và nếu có thì tra cứu tại đâu?

2. Công ty chúng tôi nhận được hoá đơn đầu vào xuất theo TT78, tuy nhiên gặp trường hợp như sau: trên bản pdf có ngày ký số giống ngày lập hoá đơn nhưng khi kiểm tra file xml thì ngày ký hoá đơn khác ngày lập hoá đơn, vậy chúng tôi dựa vào file xml để kê khai thuế còn file pdf bên bán không đồng ý điều chỉnh ngày ký số trên pdf khớp với ngày ký số trên file xml thì có đúng không?

Tổng cục Thuế trả lời:

1. Khi sử dụng hóa đơn điện tử, người bán cần đảm bảo thông tin trên hóa đơn là hợp lệ bao gồm cả trạng thái hoạt động của doanh nghiệp. Cơ quan thuế cũng hỗ trợ tra cứu tình trạng hoạt động của doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử ngành Thuế (gdt.gov.vn) trong trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu kiểm tra thông tin.

2. Theo quy định tại điểm 1 điều 12 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP: “Định dạng hóa đơn điện tử là tiêu chuẩn kỹ thuật quy định kiểu dữ liệu, chiều dài dữ liệu của các trường thông tin phục vụ truyền nhận, lưu trữ và hiển thị hóa đơn điện tử. Định dạng hóa đơn điện tử sử dụng ngôn ngữ định dạng văn bản XML (XML là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh "extensible Markup Language" được tạo ra với mục đích chia sẻ dữ liệu điện tử giữa các hệ thống công nghệ thông tin)”. Theo đó trường hợp có sai lệch giữa bản thể hiện (PDF) và XML của hóa đơn điện tử thì file dữ liệu hóa đơn điện tử theo định dạng XML sẽ là gốc để xác định thông tin liên quan về hóa đơn điện tử. Nội dung này người mua cần làm việc với người bán để xác định rõ nguyên nhân và thực hiện điều chỉnh theo quy định (nếu cần).

Câu hỏi: Xin hỏi cách lưu trữ hoá đơn đầu vào, đầu ra? Lưu bằng file tải về máy được không?

Tổng cục Thuế trả lời:

Việc lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử được thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 6 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Về định dạng hóa đơn điện tử được quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Theo quy định trên thì file dữ liệu hóa đơn phải được thể hiện dưới dạng XML và lưu trữ dưới dạng XML.

Câu hỏi:

1. Tôi muốn làm thông báo sai sót mẫu 04-SS cho nhiều hóa đơn trên trang hoadondientu.gdt.gov.vn nhưng bị báo lỗi mẫu số ký hiệu hóa đơn không đúng?

2. Trường hợp lập hóa đơn điều chỉnh, thay thế nhưng vẫn bị sai thì tôi phải điều chỉnh, thay thế lại trên hóa đơn đầu tiên hay trên lần điều chỉnh, thay thế gần nhất?

3. Thời hạn nộp thông báo hủy hóa đơn sau khi chuyển lên thông tư 78 là bao lâu? Tôi chuyển đổi hóa đơn 78 ngày 05/04/2022 nhưng đến 05/06/2022 tôi mới thông báo hủy hóa đơn thì có bị phạt không. Mức phạt bao nhiêu?

Tổng cục Thuế trả lời:

1. Doanh nghiệp được lập 1 mẫu 04/SS-HĐĐT cho nhiều hóa đơn, trường hợp bị báo lỗi doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh và gửi lại mẫu 04/SS-HĐĐT.

2. Trường hợp lập hóa đơn điều chỉnh, thay thế nhưng vẫn bị sai thì doanh nghiệp lập hóa đơn điều chỉnh, thay thế lại trên hóa đơn gốc đầu tiên.

3. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 15 Nghị định 123, điểm 2 Phụ lục kèm theo công văn 5113/TCT-CS ngày 27/12/2021 của Tổng cục Thuế: kể từ thời điểm cơ quan thuế chấp nhận đăng ký sử dụng hóa đơn thì doanh nghiệp phải hủy hóa đơn đã thông báo phát hành nhưng chưa sử dụng và phải gửi thông báo hủy hóa đơn đến cơ quan thuế.

Theo quy định tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP thì các hành vi nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn gửi cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 21 ngày đến 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn thì bị xử phạt từ 4.000.000đ đến 8.000.000đ. Khi xử phạt thì cơ quan thuế căn cứ thời điểm người nộp thuế chậm gửi thông báo hủy hóa đơn để ban hành quyết định xử phạt.

Câu hỏi: Trường hợp doanh nghiệp chắc chắn không mua hàng hóa dịch vụ của công ty A. Nhưng công ty A lại xuất hóa đơn cho doanh nghiệp (không biết là do nhầm lẫn hay cố ý). Doanh nghiệp tự tra cứu trên tài khoản hoadondientu của cơ quan thuế và phát hiện có hóa đơn của công ty A đã lập cho mình. Vậy trường hợp này doanh nghiệp nên xử lý như thế nào?

Tổng cục Thuế trả lời:

Đây là giao dịch dân sự giữa các bên, do đó trường hợp doanh nghiệp không mua hàng hóa dịch vụ của Công ty A nhưng Công ty A lại xuất hóa đơn cho doanh nghiệp thì đề nghị doanh nghiệp liên hệ với Công ty A để tìm hiểu lý do Công ty A lập hóa đơn cho doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp thấy Công ty A có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì đề nghị doanh nghiệp báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền như cơ quan thuế, cơ quan công an, Sở Công Thương,...

Câu hỏi: Công ty chúng tôi là doanh nghiệp chế xuất xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài có xuất hóa đơn điện tử nhưng không gửi hóa đơn cho phía nước ngoài, khi xuất hóa đơn phát hiện sai sót chúng tôi thông báo cơ quan thuế theo mẫu số 04/SS - HĐĐT, sau khi nhận được phản hồi chấp thuận của cơ quan thuế thì chúng tôi lập hóa đơn điện tử mới hay lập lại HĐĐT mới thay thế có dòng chữ" thay thế cho HĐ mẫu số...."?

Tổng cục Thuế trả lời:

Theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì doanh nghiệp được lựa chọn việc hủy hóa đơn và lập hóa đơn mới hoặc lập hóa đơn thay thế.

Trường hợp doanh nghiệp chọn việc hủy hóa đơn thì phải gửi Mẫu 04/SS-HĐĐT tới CQT và lập hóa đơn mới. Trường hợp doanh nghiệp chọn việc lập hóa đơn thay thế thì không phải gửi Mẫu 04/SS-HĐĐT tới CQT.

Câu hỏi: Nếu trong trường hợp Bên mua nhận được hoá đơn từ Bên bán, sau đó kiểm tra hoá đơn vẫn hợp lệ tuy nhiên chúng tôi nhận thấy ngày Bên bán ký hóa đơn và ngày CQT cấp mã không trùng khớp ngày. Xin hỏi Hoá đơn đó có vi phạm gì không? Có hợp lệ không?

Tổng cục Thuế trả lời:

Cơ quan thuế thực hiện cấp mã hóa đơn sau khi tiếp nhận dữ liệu hóa đơn đã đầy đủ nội dung (bao gồm cả chữ ký số). Trường hợp người bán gửi cơ quan thuế cấp mã vào thời điểm chuyển tiếp giữa các ngày có thể dẫn tới tình trạng ngày người bán ký và ngày cấp mã hóa đơn không trùng khớp. Hóa đơn này vẫn được coi là hợp lệ.

Câu hỏi: Hóa đơn tháng 02/2022 đã kê khai và hoàn thuế, đến tháng 06/2022 bên mua phát hiện hóa đơn đó đã bị hủy. Vậy có giải pháp nào mà liên quan đến hóa đơn để khi bên bán đã xuất rồi muốn điều chỉnh gì tại hóa đơn đó đều được tự động báo cho bên mua không?

Tổng cục Thuế trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì trường hợp người bán phát hiện hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua có sai sót thì người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT về việc hủy hóa đơn điện tử có mã đã lập có sai sót và lập hóa đơn điện tử mới.

Khi người bán gửi thông báo Mẫu số 04/SS-HĐĐT tới cơ quan thuế để hủy hóa đơn, sau khi cơ quan thuế tiếp nhận về việc hủy hóa đơn thì Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hỗ trợ tra cứu toàn bộ thông bộ thông tin, trạng thái (hủy, điều chỉnh, thay thế,...) trực tiếp trên Cổng đồng thời Tổng cục Thuế cũng đã nâng cấp để hỗ trợ cung cấp thông tin cho người mua theo hình thức gửi thông báo về việc hủy hóa đơn theo địa chỉ email của người mua đã đăng ký trên tờ khai đăng ký sử dụng hóa đơn hoặc trên hóa đơn trong trường hợp người mua chưa đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì trường hợp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế đã gửi cho người mua mà người mua hoặc người bán phát hiện có sai sót thì người bán có trách nhiệm người bán thông báo cho người mua.

Câu hỏi: Tháng 04/2022, Công ty mua nguyên liệu của nước ngoài đã mở tờ khai hải quan thông quan, sau đó có một phần nguyên liệu không đạt chất lượng, chúng tôi đã làm thủ tục xuất trả và đã mở tờ khai tái xuất thông quan. Hỏi: trường hợp tái xuất này công ty tôi có phải xuất hóa đơn điện tử không?

Tổng cục Thuế trả lời:

Trường hợp doanh nghiệp đã mở tờ khai thông quan để nhập khẩu hàng hóa và sau đó làm thủ tục xuất trả và đã mở tờ khai tái xuất thông quan thì doanh nghiệp lập hóa đơn điện tử như hoạt động xuất khẩu tại điểm c khoản 3 Điều 13 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

Câu hỏi: Giao cho khách hàng Hóa đơn GTGT bản thể hiện có giá trị để thanh toán, hạch toán được không hay phải lập hóa đơn chuyển đổi? Đơn vị lưu hóa đơn để hạch toán thì lưu bản thể hiện hay bản chuyển đổi?

Tổng cục Thuế trả lời:

Theo quy định Điều 3 và Điều 12 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì hóa đơn điện tử là hóa đơn có mã hoặc không có mã của CQT theo định dạng của CQT là sử dụng ngôn ngữ định dạng văn bản XML. Do đó người bán gửi cho người mua hóa đơn gốc định dạng XML. Người mua lưu giữ hóa đơn gốc định dạng XML để hạch toán, thanh toán và kê khai.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP: Hóa đơn chuyển đổi thành hóa đơn giấy chỉ có giá trị lưu giữ để ghi sổ theo dõi, không có hiệu lực để giao dịch thanh toán, trừ trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử đến cơ quan thuế.

Câu hỏi: Công ty xuất hoá đơn và đã gửi cho khách hàng nhưng đã quên không gửi cho cơ quan thuế cấp mã, do đó vào 5 ngày sau công ty mới gửi cho cơ quan thuế để cấp mã thì có ảnh hưởng gì không?

Tổng cục Thuế trả lời:

Doanh nghiệp thuộc đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế thì doanh nghiệp phải gửi hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế cho người mua. Trường hợp doanh nghiệp gửi hóa đơn điện tử chưa có mã của cơ quan thuế cho người mua thì đây là trường hợp sử dụng hóa đơn không hợp pháp theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Doanh nghiệp sẽ bị xử phạt về hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp. Doanh nghiệp phải lập hóa đơn điện tử mới gửi cơ quan thuế cấp mã sau đó gửi cho người mua hóa đơn đã có mã của cơ quan thuế. 

Câu hỏi: Khi dùng hoá đơn điện tử có mã cơ quan thuế thì không làm Báo cáo BC26. Vậy có phải nộp bảng tổng hợp hoá đơn điện tử là thay BC26 lúc trước không? Cần nộp bảng THHĐ điện tử theo tháng hay theo quý và làm theo biểu mẫu nào?

Tổng cục Thuế trả lời:

Theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, khi doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử có mã thì không phải làm báo cáo BC hay bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử gửi cơ quan thuế.

Bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp thuộc trường hợp sử dụng hóa đơn không mã của cơ quan thuế.

Câu hỏi: Ngày lập hóa đơn và ngày ký hóa đơn nếu khác nhau thì hóa đơn có hợp lệ và có bị phạt không? Nếu khác ngày như vậy thì người bán kê khai theo ngày lập, người mua kê khai theo ngày ký phải không?

Tổng cục Thuế trả lời:

Theo quy định tại khoản 9 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP: “Thời điểm ký số trên hóa đơn điện tử là thời điểm người bán, người mua sử dụng chữ ký số để ký trên hóa đơn điện tử được hiển thị theo định dạng ngày, tháng, năm của năm dương lịch. Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có thời điểm ký số trên hóa đơn khác thời điểm lập hóa đơn thì thời điểm khai thuế là thời điểm lập hóa đơn”. Theo đó, thời điểm lập và thời điểm ký có thể khác nhau, người bán kê khai theo ngày lập hóa đơn, người mua kê khai theo thời điểm nhận hóa đơn có đầy đủ nội dung.

Câu hỏi: Đối với tên người mua là các doanh nhiệp nước ngoài thì trên hóa đơn có được để tên người mua bằng tiếng anh và địa chỉ bằng tiếng anh không ?

Tổng cục Thuế trả lời:

Căn cứ quy định tại điểm a Khoản 13 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP:

Chữ viết hiển thị trên hóa đơn là tiếng Việt. Trường hợp cần ghi thêm chữ nước ngoài thì chữ nước ngoài được đặt bên phải trong ngoặc đơn ( ) hoặc đặt ngay dưới dòng tiếng Việt và có cỡ chữ nhỏ hơn chữ tiếng Việt. Trường hợp chữ trên hóa đơn là chữ tiếng Việt không dấu thì các chữ viết không dấu trên hóa đơn phải đảm bảo không dẫn tới cách hiểu sai lệch nội dung của hóa đơn.

Theo đó trường hợp người mua là doanh nghiệp nước ngoài không có tên và địa chỉ theo tiếng Việt thì doanh nghiệp được ghi tên và địa chỉ người mua theo tiếng Anh.

Câu hỏi: Theo QĐ 78 tôi hiểu là cấp chứng từ thuế TNCN cho NLĐ cũng thuộc trường hợp phải chuyển đổi sang chứng từ điện tử từ ngày 01/07/2022. Tuy nhiên tôi có liên hệ nhiều nhà cung cấp giải pháp trong DS cục thuế công khai (VD: Misa, FPT...) thì đều được trả lời là hiện không có hướng dẫn nên không hỗ trợ triển khai. Vậy chứng từ khấu trừ thuế TNCN điện tử có bắt buộc chuyển đổi từ 01/07/2022 hay không?

Tổng cục Thuế trả lời:

Trước thời điểm 01/07/2022 thì Chứng từ khấu trừ thuế TNCN đang được áp dụng theo hình thức in, hoặc được cấp chứng từ giấy của CQT. Từ ngày 01/07/2022 CQT sẽ không cấp Chứng từ khấu trừ thuế TNCN giấy mà các tổ chức chi trả thu nhập phải chuyển sang sử dụng chứng từ khấu trừ thuế TNCN điện tử. NNT tự xây dựng hệ thống phần mềm để sử dụng chứng từ điện tử mà không bắt buộc phải thông qua đơn vị cung cấp giải pháp, đảm bảo các nội dung bắt buộc theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

Câu hỏi: Công ty xuất hóa đơn GTGT xuất khẩu thuế xuất 0% nhưng không ghi tỷ giá USD trên hóa đơn. Công ty có thể xuất hóa đơn điều chỉnh được không?

Tổng cục Thuế trả lời:

Trường hợp doanh nghiệp lập hóa đơn GTGT điện tử cho hàng xuất khẩu nhưng không ghi tỷ giá thì doanh nghiệp được lập hóa đơn GTGT điện tử điều chỉnh để bổ sung tỷ giá.

Câu hỏi: Xin hỏi trường hợp hóa đơn điện tử tháng 4, người mua đã kê khai (kê khai theo tháng) người bán chưa kê khai (kê khai theo quý). Hàng hóa đã giao nhận hoàn thành trong tháng 4. Tháng 6 người bán tự ý hủy hóa đơn, gửi mail thông báo cho người mua, không thỏa thuận trước với người mua. Doanh nghiệp đã liên hệ và người bán trả lời là do sai ký hiệu trong tên hàng hóa, nhưng không biết xử lý hóa đơn nên đã thao tác sai vào phần hủy hóa đơn. Trường hợp này xử lý thế nào?

Tổng cục Thuế trả lời:

Đây là trách nhiệm dân sự giữa các bên, theo trình bày của doanh nghiệp thì doanh nghiệp đã liên hệ với người bán và được trả lời lý do hủy hóa đơn. Như vậy trường hợp này người bán phải lập hóa đơn điện tử mới giao cho người mua, người mua sẽ điều chỉnh giảm hóa đơn điện tử đã kê khai đầu vào trong tháng 4.

Câu hỏi: Năm 2021 công ty có nhận được hóa đơn đầu vào theo nghị định 51/2010/NĐ-CP tương ứng với phần giá trị thanh toán. Năm 2022 khi nghiệm thu hợp đồng, thì giá trị hợp đồng bị giảm xuống do có hạng mục tại hợp đồng không được thực hiện. Tháng 5.2022 nhận được hóa đơn điều chỉnh giảm của nhà Cung cấp dịch vụ ngày 31/05/2022 được xuất theo nghị định 123/2020/NĐ-CP. Hóa đơn xuất điều chỉnh giảm như vậy có đúng không?

Tổng cục Thuế trả lời:

Theo quy định tại khoản 6 Điều 12 Thông tư số 78/2021/TT-BTC, trường hợp hóa đơn đã lập theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP có sai sót thì người bán lập hóa đơn điện tử (theo quy định tại NĐ 123) thay thế cho hóa đơn theo Nghị định 51/2010/NĐ-CP đã lập có sai sót. Việc xuất hóa đơn điều chỉnh giảm là chưa phù hợp.

Câu hỏi: Hoá đơn xuất theo TT 32 bị sai tên hàng hoá. Chuyển sang TT 78 thì điều chỉnh như thế nào?

Tổng cục Thuế trả lời:

Căn cứ quy định tại Khoản 6 Điều 12 Thông tư 78:

Kể từ thời điểm doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và quy định tại Thông tư này, nếu phát hiện hóa đơn đã lập theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính mà hóa đơn này có sai sót thì người bán và người mua phải lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và lập hóa đơn hóa đơn điện tử mới (hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã) thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót. Hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.

Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn đã lập có sai sót (hóa đơn lập theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính) để gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã) hoặc người bán gửi cơ quan thuế để được cấp mã cho hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế).

Câu hỏi: Từ tháng 01.2022 đến 24.04.2022 Công ty chúng tôi bán hàng xuất khẩu chỉ dùng hóa đơn thương mại. Sau ngày 25.04.2022 chúng tôi có xuất hóa đơn điện tử có mã cơ quan thuế cho việc bán hàng xuất khẩu. Đến tháng 06.2022 chúng tôi phát hiện bị sai đơn giá hàng hóa xuất khẩu từ tháng 01.2022 đến tháng 04.2022. Vậy chúng tôi phải xuất hóa đơn điều chỉnh cho các lô hàng từ 01.2022 đến tháng 04.2022 hay chỉ xuất hóa đơn điều chỉnh cho các lô hàng từ sau 25.04.2022 thôi?

Tổng cục Thuế trả lời:

Trường hợp công ty chưa lập hóa đơn điện tử cho hàng xuất khẩu từ tháng 01/2022 đến ngày 24/04/2022 thì trong tháng 06/2022 công ty lập hóa đơn điện tử cho hàng hóa đã xuất khẩu từ tháng 01/2022 đến ngày 24/04/2022.

Đối với lô hàng xuất khẩu từ ngày 25/04/2022 công ty đã xuất hóa đơn điện tử cho hàng xuất khẩu và trong tháng 06/2022 phát hiện sai sót thì công ty lập hóa đơn điện tử điều chỉnh cho hóa đơn đã lập.

Câu hỏi:

1. Hóa đơn điều chỉnh lần 1 bị sai nhưng chưa gửi cho người mua thì có được hủy không?

2. Hóa đơn điều chỉnh lần 2 ghi điều chỉnh cho hóa đơn gốc hay ghi điều chỉnh cho hóa đơn điều chỉnh lần 1?

3. Hóa đơn sai được phép điều chỉnh tối đa bao nhiêu lần?

4. Đối với hóa đơn giảm giá (giảm % doanh thu của 1 kỳ ). Cuối kỳ viết 1 hóa đơn riêng thì hóa đơn thể hiện số âm hay dương? Dữ liệu thể hiện trong hóa đơn trên trang hoadondientu là số âm hay số dương?

5. Đối với hóa đơn bị điều chỉnh, hóa đơn điều chỉnh, hóa đơn bị thay thế, hóa đơn thay thế có phải gửi mẫu 04/SS-HĐĐT đến cơ quan thuế không?

6. Sau khi sử dụng hóa đơn điện tử thì cần nộp những báo cáo gì cho cơ quan thuế quản lý?

Tổng cục Thuế trả lời:

1.  Hóa đơn điều chỉnh lần 1 sai đã được cấp mã thì hóa đơn điều chỉnh không được hủy.

2. Hóa đơn điều chỉnh lần 2 gắn vào hóa đơn gốc.

3. Cơ quan thuế không quy định về việc 1 hóa đơn sai được điều chỉnh tối đa bao nhiêu lần. Việc điều chỉnh hóa đơn chỉ khi hóa đơn đã lập có sai sót và là việc của doanh nghiệp.

4. Trường hợp cơ sở kinh doanh áp dụng hình thức chiết khấu thương mại dành cho khách hàng (nếu có) thì giá tính thuế GTGT là giá bán đã chiết khấu thương mại dành cho khách hàng.

Theo quy định pháp luật về hóa đơn, đối với nội dung về giá trị trên hóa đơn có sai sót thì điều chỉnh tăng (ghi dấu dương), điều chỉnh giảm (ghi dấu âm) đúng với thực tế điều chỉnh.

5.Theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123 thì khi lập hóa đơn điều chỉnh hoặc hóa đơn thay thế thì không phải gửi Mẫu 04/SS-HĐĐT tới CQT.

6. Khi doanh nghiệp đã thực hiện hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì NNT không cần gửi các báo cáo về hóa đơn tới CQT.

Câu hỏi: Công ty phát sinh hàng xuất kho mang đi gửi bán đại lý, vậy có phải xuất phiếu xuất kho hàng gửi bán điện tử không? và thủ tục đăng ký như thế nào?

Tổng cục Thuế trả lời:

Theo quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý là chứng từ được in, phát hành, sử dụng và quản lý như hóa đơn. Do đó doanh nghiệp phải sử dụng phiếu xuất kho hàng gửi bán điện tử và thực hiện đăng ký theo mẫu 01/ĐKTĐ-HĐĐT theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

Câu hỏi: Công ty chúng tôi có nhiều ĐĐKD được thành lập (theo Nghị định 108/2018/NĐ-CP) trực thuộc Công ty trên phạm vi toàn quốc để hoạt động kinh doanh. ĐĐKD được Cơ quan thuế địa phương cấp mã số thuế 13 số để thực hiện kê khai thuế GTGT và thông tin bên bán trên hóa đơn điện tử. Công ty chúng tôi đang vướng mắc như sau: theo quy định hiện hành về chữ ký trên hóa đơn điện tử Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì có thể sử dụng chữ ký số của Công ty (mã số thuế của Công ty, 10 số) để ký chung cho tất cả các Địa điểm kinh doanh khác tỉnh/thành phố TW (Mã số thuế 13 số) với trụ sở chính được không?

Tổng cục Thuế trả lời:

Trường hợp ĐĐKD hạch toán độc lập và thực hiện lập hóa đơn GTGT thì sẽ sử dụng chứng thư số đã đăng ký tương ứng với pháp nhân mà ĐĐKD sử dụng để lập hóa đơn, kê khai thuế GTGT.

Câu hỏi: Công ty tôi có ký kết Hợp đồng dịch vụ với Chi nhánh B. Tuy nhiên, khi nhận hóa đơn của chi nhánh B thì trên hóa đơn thể hiện, chi nhánh B là đơn vị bán hàng, có mã số thuế riêng, nhưng chữ ký điện tử thì lại là Công ty mẹ của B chứ không phải chi nhánh B. Vậy việc kê khai thuế và ghi nhận công nợ phải trả là cho Chi nhánh B hay là cho Công ty mẹ của B (theo chữ ký điện tử trên hóa đơn)?

Tổng cục Thuế trả lời:

Trường hợp chi nhánh B hạch toán độc lập và thực hiện lập hóa đơn GTGT thì sẽ sử dụng chứng thư số đã đăng ký tương ứng với pháp nhân mà chi nhánh B sử dụng để lập hóa đơn, kê khai thuế GTGT.

Câu hỏi: Công ty bán hàng cho công ty nước ngoài, nhưng MST của công ty nước ngoài gồm nhiều ký tự số và chữ, ứng dụng xuất hóa đơn không cho phép nhập ký tự chữ, vậy MST của người mua có được bỏ trống không?

Tổng cục Thuế trả lời:

Định dạng hóa đơn điện tử quy định trường dữ liệu MST người mua áp dụng đối với người mua là cơ sở kinh doanh tại Việt Nam và có mã số thuế theo quy định của pháp luật quản lý thuế là mã 10 số và mã 13 số. Trường hợp người mua không có mã số thuế hoặc có MST nhưng không phải MST theo pháp luật quản lý thuế Việt Nam thì trên hóa đơn không phải thể hiện mã số thuế người mua. Do đó đối với hóa đơn điện tử xuất khẩu hàng hóa mà người mua có MST theo quy định của pháp luật nước khác thì người bán không phải nhập thông tin MST người mua trên hóa đơn. Trường hợp cần thiết theo thỏa thuận với người mua thì người bán có thể sử dụng trường thông tin khác để điền thông tin này.

Câu hỏi:

1. Người bán là cá nhân, mua hóa đơn bán hàng của cơ quan thuế, vậy hóa đơn bán hàng này có file xml không? có thể tra cứu ở đâu không? (chi cục thuế địa phương chỉ gửi cho Người mua hóa đơn PDF)

2. Hóa đơn xuất lần đầu khi gửi cơ quan thuế báo bị lỗi. Doanh nghiệp lập lại hóa đơn mới thì được trả mã bình thường. Sau đó, hóa đơn lỗi lại được trả mã tiếp. Doanh nghiệp tiến hành hủy 1 hóa đơn bị lặp. Vậy trong trường hợp này có cần làm mẫu 04/SS gửi cơ quan thuế không?

Tổng cục Thuế trả lời:

Người bán là cá nhân khai thuế từng lần phát sinh, hộ khoán, khi có yêu cầu sử dụng hóa đơn bán hàng của CQT thì người bán tự lập hóa đơn trên Cổng thông tin điện tử của TCT hoặc được CQT hỗ trợ để lập trên cổng thông tin điện tử. Người bán trong trường hợp này sẽ được tạo tài khoản để tự lập hóa đơn và tra cứu thông tin về hóa đơn đã lập. Tại tài khoản của cá nhân đều lưu giữ thông tin về hóa đơn dưới định dạng XML và hỗ trợ in dưới định dạng PDF. Người bán có trách nhiệm gửi cho người mua thông tin hóa đơn theo định dạng XML nếu sử dụng chức năng tại Tài khoản của NNT trên Cổng thông tin điện tử.

Trong mọi trường hợp hủy hóa đơn đều phải gửi mẫu 04/SS-HĐĐT đến CQT.

Câu hỏi: Ngày 01/04/2022 Công ty thực hiện chuyển đổi sang áp dụng hóa dơn điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP. Trước đó, Công ty đã bán các đơn hàng cho khách hàng là cá nhân và đã xuất hóa đơn điện tử theo Nghị định 51/2010/NĐ-CP. Sau ngày 01/04/2022 khách hàng trả lại hàng do lỗi kỹ thuật và không tiếp tục đổi/mua sang sản phẩm mới. Vậy trường hợp này cần xử lý như thế nào?

Tổng cục Thuế trả lời:

Theo doanh nghiệp trình bày, doanh nghiệp đã lập hóa đơn điện tử theo Nghị định 51, đã giao cho khách hàng – sau đó doanh nghiệp chuyển đổi sang áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123 và khách hàng trả lại hàng hóa thì căn cứ tài liệu chứng minh việc khách hàng trả lại hàng, doanh nghiệp thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã lập theo Nghị định 51.

Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc hủy hóa đơn căn cứ tài liệu trả lại hàng.

Câu hỏi: Khi cung cấp dịch vụ ăn uống trên hóa đơn chỉ cần ghi là dịch vụ đặt cơm tiếp khách hay là phải ghi chi tiết từng món ăn?

Tổng cục Thuế trả lời:

Người bán xác định hàng hóa, dịch vụ cung cấp để xác định nội dung trên hóa đơn theo quy định tại Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, không bắt buộc phải nêu chi tiết từng món ăn nếu không liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế (thuế suất thuế TTĐB, GTGT,...).

Câu hỏi: Khi áp dụng hóa đơn điện tử, đối với dịch vụ ăn uống có được kèm bảng kê không hay bắt buộc phải kê tất cả các món lên hóa đơn?.

Tổng cục Thuế trả lời:

Căn cứ quy định tại Điều 10 Nghị định 123, không có quy định dịch vụ ăn uống được lập bảng kê kèm theo hóa đơn.

Câu hỏi:

Tại Khoản 1 Điều 18 của Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định như sau: “Điều 18. Bán hàng hóa, dịch vụ không bắt buộc phải lập hóa đơn:

1. Bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn.

2. Khi bán hàng hóa, dịch vụ không phải lập hóa đơn hướng dẫn tại khoản 1 Điều này, người bán phải lập Bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ.[…]”

Trước đây một số công ty vẫn dùng hóa đơn bán lẻ cho hàng hóa dịch vụ dưới 200.000 đồng, và vẫn được tính vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp, vậy sau ngày 01/07/2022 có được tiếp tục sử dụng không?

Tổng cục Thuế trả lời:

Theo quy định, các trường hợp đã sử dụng hóa đơn điện tử theo NĐ 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC hướng dẫn về HĐĐT thì sẽ không áp dụng các quy định tại Thông tư 39/2014/TT-BTC. Do đó, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán hàng phải xuất hóa đơn điện tử theo quy định trừ các trường hợp bên mua hàng hóa, dịch vụ được lập bảng kê quy định tại Khoản 2.4 Điều 2 Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18 tháng 6 năm 2014 hướng dẫn về thuế TNDN.

Tin liên quan

BẢN TIN ATAX THÁNG 12/2024
24/12/2024
40 Lượt xem
Tin tức Tin tức