Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Thuế ATAX

Chất lượng tạo nên sự khác biệt

0236. 3 639 639

Lô A92 đường 30 tháng 4, TP. Đà Nẵng

Dịch Covid-19 đang “bào mòn” ngân sách nhà nước

Một số nguồn thu lớn bắt đầu giảm mạnh

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế, ước thực hiện thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong tháng 3 do ngành Thuế quản lý đạt 89.000 tỷ đồng. Số thu này chỉ đạt 7,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 97,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, nhìn chung, kết quả thu quý I/2020 đạt khá do kinh tế quý IV/2019 tăng trưởng khá. Tuy nhiên, diễn biến thu qua các tháng tiếp theo có dấu hiệu giảm dần do tình hình dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là từ tháng 3, số thu đã có ảnh hưởng rõ nét, một số nguồn thu lớn có tốc độ giảm nhanh.

Một số nguồn thu lớn có tốc độ giảm nhanh như: thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ mức tăng 8% của quý IV/2019, tính chung lũy kế 3 tháng tăng 2,5%; thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) từ mức tăng 9,5% của quý IV/2019, lũy kế 3 tháng chỉ tăng 4,6%; thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tháng 12/2019 tăng 15,6%, lũy kế 3 tháng chỉ còn tăng 14%...

“Bắt đầu từ tháng 3, số thu ngân sách đã có ảnh hưởng rõ nét, một số nguồn thu lớn như trong báo cáo đã giảm liên tục trong 3 tháng trở lại đây. Mức giảm càng ngày càng lớn, điều này báo hiệu những khó khăn cho công tác thu ngân sách trong những tháng tiếp theo”, ông Nguyễn Đức Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Hỗ trợ (Tổng cục Thuế) cho biết.

Tại một số thành phố lớn, tình hình thu ngân sách quý I cũng gặp khá nhiều khó khăn. Điển hình như: Cục Thuế Hải Phòng, tính đến hết tháng 3, số thu của Cục chỉ đạt 6.900 tỷ đồng, tương đương 22,5% dự toán (trong khi kế hoạch đề ra phải đạt 24-25%). Ngay như trong tháng 3, số thu nội địa của Cục Thuế này chỉ đạt 2.150 tỷ đồng, hụt thu tới 50 tỷ đồng so với kế hoạch đề ra.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo Cục Thuế Hải Phòng, hết quý I, số thu từ khu vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt một số ngành nghề lĩnh vực như xăng dầu, bia rượu đều giảm. Ngoài ra, số nộp ngân sách của Nhà máy ô tô Vinfast trong quý I cũng không đạt được như kế hoạch đề ra.

Một nguyên nhân khác quan trọng không kém đó là do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) từ trước đến nay phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc đang phải dừng sản xuất do không nhập được nguyên liệu. Hơn nữa, nhiều DN đang phải đối mặt với việc thiếu nguồn nhân lực, thiếu đội ngũ chuyên gia cao cấp, vì DN thuê đội ngũ chuyên gia của nước ngoài, nhưng do dịch bệnh, đội ngũ chuyên gia chưa thể sang Việt Nam được… Do đó, các DN này hiện cũng đang hoạt động cầm chừng hoặc ngưng hoạt động một số bộ phận.

Hiện rất nhiều cục thuế trên cả nước đã dự báo số thu ngân sách thời gian tới sẽ bị sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19 như: Cục Thuế Ninh Bình, Cục Thuế Hưng Yên, Cục Thuế Cao Bằng… Các đơn vị cũng đã lên kế hoạch để ứng phó với dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho DN để cố gắng đảm bảo nguồn thu cho NSNN.

Tăng cường chống thất thu ngân sách

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các quý tiếp theo của năm. Hơn nữa, trong quý II, thực hiện Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất sẽ có nhiều hộ kinh doanh không thuộc đối tượng được miễn thuế nên sẽ ngừng, nghỉ hoặc bỏ sản xuất kinh doanh. Do vậy, quý II và quý III sẽ là đỉnh điểm của khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19. Lúc này mới là bắt đầu của khó khăn do dịch bệnh gây ra đối với ngành Thuế.

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính, dù chưa có số liệu đầy đủ để đánh giá về mức tác động của dịch Covid-19 đến thu NSNN năm 2020 nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN đang vô cùng chật vật nên nguồn thu từ các DN chắc chắn sẽ “èo uột”. Đồng thời, chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (đang được lấy ý kiến) cũng sẽ làm nguồn tiền về ngân sách chậm hơn.

“Việc Chính phủ thực thi các giải pháp tín dụng và tài khóa để hỗ trợ DN và các cá nhân, hộ kinh doanh là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu diễn biến dịch bệnh có ảnh hưởng ở mức độ tiêu cực hơn dự đoán thì có thể tăng “liều lượng” của chính sách hỗ trợ để DN nhanh chóng hồi phục sản xuất kinh doanh, từ đó, nuôi dưỡng nguồn thu”, TS. Nguyễn Đức Độ nêu ý kiến.

Hiện Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các đơn vị thu trong ngành cần phân tích cụ thể, chi tiết nhằm nắm bắt chặt chẽ để có phương án triển khai, tháo gỡ vướng mắc kịp thời. Đồng thời, tiếp tục bám sát chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Cục Thuế về các giải pháp hỗ trợ các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; chỉ đạo quyết liệt các biện pháp chống thất thu, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách với kết quả cao nhất.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó hướng dẫn, tạo điều kiện để DN hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, từ đó chống thất thu tại một số khu vực còn dư địa để đảm bảo nguồn thu ngân sách./.

Nguồn:vov.vn

Tin liên quan

BẢN TIN ATAX THÁNG 09/2024
30/09/2024
376 Lượt xem
BẢN TIN ATAX THÁNG 08/2024
30/08/2024
441 Lượt xem
BẢN TIN ATAX THÁNG 07/2024
30/07/2024
572 Lượt xem
Tin tức Tin tức