AUDITING AND TAX CONSULTING COMPANY LIMITED

Quality makes a difference

0236. 3 639 639

Lot A92 30 Thang 4 Street, Danang City

Sẽ tăng mức phạt tiền đối với vi phạm về thủ tục thuế?


Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế
 
Hiện nay, theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, mức phạt tối đa đối với một hành vi vi phạm thủ tục thuế là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức. Theo quy định tại Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế thì hiện tại mức phạt tiền thấp nhất là 400 nghìn đồng, mức phạt tiền cao nhất là 10 triệu đồng đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế của tổ chức. Theo Bộ Tài chính, mức phạt tiền này thấp hơn nhiều so với mức tiền phạt tối đa quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.
 
Ngoài ra, mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm thủ tục thuế thì mức phạt tiền theo quy định hiện hành thấp so với mức phạt tiền của các hành vi cùng lĩnh vực tương tự: Mức phạt tiền đối với nhóm hành vi vi phạm thủ tục thuế từ 400 nghìn đồng đến 5 triệu đồng; Mức phạt tiền đối với nhóm hành vi vi phạm thủ tục hải quan từ 500 nghìn đồng đến 40 triệu đồng; Mức phạt tiền đối với nhóm hành vi vi phạm thủ tục phí, lệ phí từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng; Mức phạt tiền đối với nhóm hành vi vi phạm thủ tục về giá từ 3 triệu đồng đến 25 triệu đồng; Mức phạt tiền đối với nhóm hành vi vi phạm thủ tục về kế toán từ 5 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Theo thống kê thì từ năm 2014 đến nay số vụ vi phạm về thủ tục thuế tăng nhiều theo từng năm, số lượng vụ việc vi phạm năm 2018 tăng khoảng 5,6 lần so với năm 2014. Một trong những nguyên nhân là mức phạt tiền thấp nên chưa đảm bảo tính phòng ngừa, chưa đủ nghiêm khắc để người nộp thuế nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế đối với nghĩa vụ đăng ký thuế và khai các chỉ tiêu trên hồ sơ khai thuế. Trong khi số vụ vi phạm về hóa đơn lại ít hơn do mức phạt cao.
Hiện nay, ngành Thuế đã triển khai kê khai thuế qua mạng với số lượng doanh nghiệp đang thực hiện khai thuế qua mạng là 566.662 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ trên 99,81% tổng số doanh nghiệp trên cả nước; thủ tục hành chính thuế được cải cách giảm từ 420 giờ xuống còn 117 giờ tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện quyền kê khai, nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.
 
Theo đó, cần quy định tăng chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế (chậm nộp hồ sơ khai thuế, hành vi khai không đủ hoặc khai sai trên hồ sơ khai thuế…) để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế, giảm thiểu các trường hợp đáng tiếc khi chậm nộp hồ sơ khai thuế trên 90 ngày với số tiền thuế trên 100 triệu đồng bị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự.
 
Tăng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế
 
Trên cơ sở những bất cập trên, Bộ Tài chính trình Chính phủ nâng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế với mức tối thiểu là 500.000 đồng (trước đây là 400 nghìn đồng) và mức cao nhất là 25 triệu đồng (trước đây là 5 triệu đồng).
Trong đó, với nhóm hành vi vi phạm quy định về đăng ký thuế sẽ bị xử phạt từ 1 - 10 triệu đồng, trong đó bổ sung quy định chi tiết các hành vi theo từng cấp độ chậm đăng ký thuế. Bổ sung hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội dung đăng ký thuế, đăng ký tạm ngừng hoạt động.
 
Nhóm hành vi khai sai, khai không đầy đủ nội dung trong hồ sơ khai thuế sẽ bị xử phạt từ 1 - 3 triệu đồng. Nếu hành vi khai sai không dẫn đến thiếu thuế hoặc hành vi thuộc trốn thuế, nhưng chưa gây hậu quả bị xử phạt từ 5 - 8 triệu đồng.
 
Bổ sung quy định phạt tiền từ 8 - 12 triệu đồng đối với hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký thuế, hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế, hồ sơ tạm ngừng hoạt động, kinh doanh; hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế đã nộp đến cơ quan thuế.
 
Đối với nhóm hành vi chậm nộp hồ sơ, theo dự thảo, hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế bị xử phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền ở mức phạt thấp, từ 2 - 5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm với số ngày từ 1 đến 30 ngày.
 
Tuy nhiên, nếu chậm nộp trên 30 ngày sẽ bị phạt nặng, từ 5 - 15 triệu đồng. Nếu nộp hồ sơ khai thuế quá 90 ngày, thuộc hành vi trốn thuế, nhưng người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước khi cơ quan thuế công bố quyết định thanh tra, hoặc trước khi lập biên bản thì không bị xử phạt về hành vi trốn thuế, nhưng bị xử phạt với mức tiền phạt từ 15 - 25 triệu đồng để tương ứng với mức độ, tính chất của hành vi này.
 
Với nhóm hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin liên quan đến nghĩa vụ thuế sẽ bị xử phạt từ 2 - 5 triệu đồng. Nếu vi phạm quy định chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra sẽ bị xử phạt từ 2 - 10 triệu đồng. Đồng thời, chuyển hành vi không ký biên bản thanh tra, kiểm tra về nhóm hành vi với mức độ ít nghiêm trọng hơn.
 
Hành vi khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp, hoặc tăng số tiền thuế được hoàn có thể bị xử phạt đến 20% số tiền thuế khai thiếu. Đối với hành vi trốn thuế, tùy từng hành vi tăng nặng hoặc giảm nhẹ sẽ có mức phạt từ 1 - 3 lần số thuế đã trốn.
 
Dự thảo Nghị định cũng đã quy định chi tiết về mức phạt tiền đối với hành vi trốn thuế. Theo đó, phạt 1 lần tính trên số thuế trốn đối với hành vi trốn thuế có từ 1 tình tiết giảm nhẹ trở lên; Phạt 1,5 lần tính trên số thuế trốn đối với hành vi trốn thuế mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc tình tiết tăng nặng; Phạt 2 lần tính trên số thuế trốn đối với hành vi trốn thuế mà có 1 tình tiết giảm nhẹ; Phạt 2,5 lần tính trên số thuế trốn đối với hành vi trốn thuế có 2 tình tiết tăng nặng; Phạt 3 lần tính trên số thuế trốn đối với hành vi trốn thuế có 3 tình tiết tăng nặng; Đối với người nộp thuế trốn thuế, gian lận thuế ngoài bị nộp đủ số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận.
 
Nguồn: tapchitaichinh.vn
News News