Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Thuế ATAX

Chất lượng tạo nên sự khác biệt

0236. 3 639 639

Lô A92 đường 30 tháng 4, TP. Đà Nẵng

BẢN TIN ATAX THÁNG 05/2023

Tải Bản tin ATAX tháng 05 pdf tại đây.

QUYẾT ĐỊNH SỐ 11/2023/QĐ-TTG QUY ĐỊNH MỨC GIAO DỊCH CÓ GIÁ TRỊ LỚN PHẢI BÁO CÁO

Ngày 27/04/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 11/2023/QĐ-TTg quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo.

Theo đó, kể từ ngày 01/12/2023, mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là từ 400 triệu đồng trở lên. (Theo Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg đang còn hiệu lực đến ngày 30/11/2023 quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là từ 300 triệu đồng trở lên)

Quyết định số 11/2023/QĐ-TTg quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định tại Khoản 2, Điều 25 của Luật Phòng chống rửa tiền.

Đối tượng áp dụng: là tổ chức, cá nhân quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 4 Luật Phòng chống rửa tiền số 14/2022/QH15 ngày 15/11/2022.

Theo Khoản 1, Điều 4 Luật Phòng chống rửa tiền:

Đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây: Nhận tiền gửi; Cho vay; Cho thuê tài chính; Dịch vụ thanh toán; Dịch vụ trung gian thanh toán; Phát hành công cụ chuyển nhượng, thẻ ngân hàng, lệnh chuyển tiền; Bảo lãnh ngân hàng, cam kết tài chính; Cung ứng dịch vụ ngoại hối, các công cụ tiền tệ trên thị trường tiền tệ; Môi giới chứng khoán; Tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán; Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; Quản lý danh mục đầu tư chứng khoán; Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; Đổi tiền.

Theo Khoản 2, Điều 4 Luật Phòng chống rửa tiền:

Đối tượng báo cáo là tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây: Kinh doanh trò chơi có thưởng, bao gồm: trò chơi điện tử có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; casino; xổ số; đặt cược; Kinh doanh bất động sản, trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản; Kinh doanh kim khí quý, đá quý; Kinh doanh dịch vụ kế toán; Cung cấp dịch vụ công chứng; cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; Cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; Cung cấp dịch vụ giám đốc, thư ký công ty cho bên thứ ba; cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý.

Quyết định số 11/2023/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2023 và thay thế Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg ngày 18/04/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo.

ĐIỂM MỚI THÔNG TƯ 23/2023/TT-BTC VỀ TÍNH HAO MÒN, KHẤU HAO TÀI SẢN CỐ ĐỊNH TRONG CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

Ngày 25/04/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 23/2023/TT-BTC (“Thông tư 23”) hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

(Thông tư 23/2023/TT-BTC sẽ thay thế thông tư 45/2018/TT-BTC ban hành ngày 07/05/2018)

Sau đây là một số điểm mới của Thông tư 23:

  • Khung thời gian tính hao mòn tài sản cố định

Trong đó, Thông tư 23 thay đổi thời gian sử dụng và tỷ lệ tính hao mòn với máy photocopy, camera giám sát như sau:

  • Máy photocopy:
  • Thời gian sử dụng máy photocopy: 05 năm (hiện hành theo Thông tư 45/2018/TT-BTC là 8 năm);
  • Tỷ lệ tính hao mòn máy photocopy: 20% (hiện hành là 12,5%).
  • Camera giám sát:
  • Thời gian sử dụng camera giám sát: 05 năm (hiện hành theo Thông tư 45/2018/TT-BTC là 8 năm);
  • Tỷ lệ tính hao mòn camera giám sát: 20% (hiện hành là 12,5%).
  • Định nghĩa tài sản cố định vô hình

Theo quy định tại Thông tư 23, tài sản cố định vô hình là những tài sản không có hình thái vật chất mà cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã đầu tư chi phí tạo lập tài sản hoặc được hình thành qua quá trình hoạt động; gồm:

  • Loại 1: Quyền sử dụng đất.
  • Loại 2: Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả.
  • Loại 3: Quyền sở hữu công nghiệp.
  • Loại 4: Quyền đối với giống cây trồng.
  • Loại 5: Phần mềm ứng dụng.
  • Loại 6: Thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập.

(Hiện hành, Thông tư 45/2018/TT-BTC còn quy định: Loại 7 (Tài sản cố định vô hình khác)).

  • Những loại tài sản cố định nào không tính hao mòn, khấu hao?

Cụ thể, tại khoản 3 Điều 11 Thông tư 23 quy định về phạm vi tài sản cố định tính hao mòn, khấu hao, trong đó 04 loại tài sản cố định không tính hao mòn, khấu hao gồm:

  • Tài sản cố định là quyền sử dụng đất đối với các trường hợp phải xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính giá trị tài sản quy định tại Điều 100, Nghị định 151/2017/NĐ-CP;
  • Tài sản cố định đặc thù theo quy định;
  • Tài sản cố định đã tính đủ hao mòn hoặc đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn còn sử dụng được;
  • Tài sản cố định chưa tính hết hao mòn hoặc chưa khấu hao hết giá trị nhưng đã hư hỏng không tiếp tục sử dụng được.

So với quy định hiện hành tại Thông tư 45/2018/TT-BTC thì Thông tư 23/2023/TT-BTC bỏ 02 loại tài sản cố định không tính hao mòn, khấu hao là tài sản cố định đang thuê sử dụng và tài sản cố định bảo quản hộ, giữ hộ, cất giữ hộ Nhà nước.

  • Tiêu chuẩn xác định tài sản cố định

Tại Điều 3 Thông tư 23 quy định tiêu chuẩn xác định tài sản là tài sản cố định được quản lý, tính hao mòn, khấu hao tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khi thỏa mãn 02 điều kiện:

  • Có thời gian sử dụng từ 01 năm trở lên;
  • Có nguyên giá từ 10.000.000 đồng trở lên;

Tuy nhiên đối với tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập thì chỉ được xác định là tài sản cố định khi đáp ứng 02 điều kiện:

  • Có thời gian sử dụng từ 01 năm trở lên;
  • Đáp ứng điều kiện về nguyên giá tài sản cố định theo quy định áp dụng cho doanh nghiệp.
  • Các trường hợp thay đổi nguyên giá tài sản cố định

Tại Điều 9, Thông tư 23, nguyên giá tài sản cố định được thay đổi trong các trường hợp sau:

  • Đánh giá lại giá trị tài sản cố định khi thực hiện kiểm kê theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
  • Thực hiện nâng cấp, mở rộng tài sản cố định theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.
  • Tháo dỡ một hay một số bộ phận tài sản cố định (trong trường hợp giá trị bộ phận tài sản cố định tháo dỡ đang được hạch toán chung trong nguyên giá tài sản cố định).
  • Lắp đặt thêm một hay một số bộ phận tài sản cố định.
  • Tài sản cố định bị mất một phần hoặc hư hỏng nghiêm trọng do thiên tai, sự cố bất khả kháng hoặc những tác động đột xuất khác (trừ trường hợp tài sản đã được khôi phục lại thông qua bảo hiểm tài sản công).
  • Điều chỉnh giá trị quyền sử dụng đất đối với các trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 7 Thông tư 23/2023/TT-BTC theo quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 103 Nghị định 151/2017/NĐ-CP .
  • Bổ sung tài sản cố định theo nguồn gốc hình thành tài sản

Tại khoản 2, Điều 4, Thông tư 23/2023/TT-BTC, tài sản cố định phân loại theo nguồn gốc hình thành tài sản gồm:

  • Tài sản cố định hình thành do mua sắm.
  • Tài sản cố định hình thành do đầu tư xây dựng.
  • Tài sản cố định được giao, nhận điều chuyển.
  • Tài sản cố định được tặng cho, khuyến mại (bao gồm cả trường hợp nhà cung cấp đổi tài sản cũ bằng tài sản mới sau một thời gian sử dụng theo chính sách của nhà sản xuất/nhà cung cấp).
  • Tài sản cố định khi kiểm kê phát hiện thừa (chưa được theo dõi trên sổ kế toán).
  • Tài sản cố định đơn vị sự nghiệp công lập được nhận sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết theo quy định tại khoản 6 Điều 47 Nghị định 151/2017/NĐ-CP. (Đây là điểm mới bổ sung tại Thông tư 23)
  • Tài sản cố định được hình thành từ nguồn khác.

Thông tư 23/2023/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/06/2023 và được áp dụng từ năm tài chính 2023.

(Nguồn: thuvienphapluat.vn)

 

MỘT SỐ CÔNG VĂN BAN HÀNH TRONG THÁNG 05/2023
(click vào tên công văn để đọc toàn bộ nội dung)

  1. Xử lý hóa đơn đã lập thiếu dòng “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan” (Công văn 32108/CTHN-TTHT ngày 11/05/2023 của Cục thuế Hà Nội)

Trường hợp Công ty có phát sinh hàng hóa là hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu thì thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định tại Khoản 20 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính. Công ty thực hiện lập hóa đơn theo hướng dẫn tại Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, trên hóa đơn GTGT tại chỉ tiêu "thuế suất", Công ty thể hiện là KCT (Không chịu thuế GTGT) theo hướng dẫn tại Quyết định số 1450/QĐ-TCT ngày 7/10/2021.

Trường hợp người bán là tổ chức trong khu phi thuế quan sử dụng hóa đơn theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính thì khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ vào nội địa và khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan với nhau, xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan” theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

Hóa đơn, chứng từ hợp pháp là hóa đơn, chứng từ đảm bảo đúng, đầy đủ về hình thức và nội dung theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. 

Trường hợp phát hiện hóa đơn đã lập có sai sót (thiếu chỉ tiêu bắt buộc “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan”), hóa đơn đã gửi cho người mua thì người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót theo quy định tại điểm b2 Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

  1. Công văn hướng dẫn về kê khai, quyết toán thuế nhà thầu (Công văn 2225/CTHPH-TTHT ngày 04/05/2023 của Cục thuế Hải Phòng)

Trường hợp Công ty thực hiện mua hàng hóa, dịch vụ trên cơ sở hợp đồng nhà thầu nước ngoài, hợp đồng nhà thầu phụ nước ngoài có phát sinh thuế nhà thầu nước ngoài (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp), doanh nghiệp có nghĩa vụ kê khai và nộp thay thuế cho nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài thì: 

  • Về việc thực hiện quyết toán thuế; doanh nghiệp thực hiện nộp quyết toán thuế đối với từng hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ nước ngoài đến thời điểm chấm dứt hợp đồng; 
  • Về việc xác định thời điểm chấm dứt hợp đồng và thời điểm kết thúc kỳ tính thuế trên tờ khai Quyết toán thuế nhà thầu (Mẫu 02/NTNN ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/09/2021 của Bộ Tài chính): Đề nghị doanh nghiệp căn cứ vào quy định về việc áp dụng pháp luật tại hợp đồng (pháp luật Việt Nam, pháp luật nước ngoài, điều ước quốc tế, tập quán thương mại) để xác định thời điểm chấm dứt hợp đồng. Thời điểm chấm dứt hợp đồng là thời điểm kết thúc kỳ tính thuế trên tờ khai Quyết toán thuế nhà thầu mẫu số 02/NTNN.

Tin liên quan

BẢN TIN ATAX THÁNG 08/2024
30/08/2024
84 Lượt xem
BẢN TIN ATAX THÁNG 07/2024
30/07/2024
230 Lượt xem
BẢN TIN ATAX THÁNG 06/2024
01/07/2024
498 Lượt xem
Tin tức Tin tức